2015 PBA Players

7 nỗi sợ hãi của bowler khi đứng trên lane

Khi bắt đầu chơi bowling ở cấp độ thành tích cao, bạn sẽ nhận ra bản thân mình tồn tại rất nhiều nỗi sợ hãi, đặc biệt là khi thi đấu. Chúng tồn tại ẩn khuất trong mỗi bowler và chỉ chực trỗi dậy cùng lúc với sự ngờ vực và do dự. Qua quan sát, cảm nhận và kinh nghiệm, happybowlers.com nhận thấy đây chính là những trở lực lớn nhất khiến bạn vuột mất thành công.

1. Sợ không kéo Strike được

Nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng điều này là có thật. Hãy thử nhớ lại mà xem, có những ngày thi đấu, bạn đang kéo được liên tục 5, 6 strike. Vui mừng có, phấn khích có, nhưng một cách vô thức bạn đang suy nghĩ trước quả đánh thứ 7 rằng:”Cố lên, tập trung, phải strike tiếp quả này….” Đó chính là lúc áp lực xuất hiện và nỗi sợ hãi cũng nhen nhóm cộng thêm kì vọng từ những người xung quanh. Và khi banh rời tay, chạm pin, bạn chỉ đánh đổ được 9 pin, mọi thứ cứ như sụp đổ. Và bạn thậm chí còn có thể spare hụt quả pin còn lại do mất “đà hưng phấn”.

Khắc phục: Nếu bạn đang strike liên tục, hãy suy nghĩ rằng mình đang có cơ hội có game điểm cao, chứ không nên suy nghĩ mình cần phải kéo strike tiếp. Nếu chỉ được 9 pin và spare ở frame tiếp theo thì bạn vẫn có thể strike ở frame sau nữa cơ mà 🙂 Mục tiêu thi đấu là điểm cao nhất có thể chứ không phải lúc nào cũng 300 bạn nhé.

2. Sợ hụt pin 10 (7)

Pin 10 với bowler tay phải và ngược lại là pin 7 với bowler tay trái là 2 quả pin chuyên gây ảo giác sợ hãi nhất. Điều này 100% đúng dù bạn có biện bạch cỡ nào đi chăng nữa. Và một điều khủng  khiếp nữa là xác suất sót pin 10 hay 7 là thuộc hàng cao nhất ngay cả khi bạn có cú ra banh cực tốt. Vậy nên cách tốt nhất để không sợ hụt 2 quả pin này là hãy…yêu nó. Thật vậy, thái độ bản lĩnh trước những quả pin này thật ra còn thể hiện đẳng cấp của bạn nhiều hơn so với việc kéo strike liên tiếp đấy.

Bowling pin 7 10 spare

Người ta không chỉ  đánh giá đẳng cấp của 1 bowler dựa trên khả năng strike mà còn dựa trên kĩ thuật và thái độ của họ trước những quả spare khó. Nếu bạn strike liên tiếp mà cuối cùng để hụt quả pin góc này thì ngay chính bạn còn thất vọng về bản thân chứ không chỉ những người xung quanh phải không nào. Giờ bạn đã chịu yêu những quả 10 (7) chưa?

3. Sợ đi banh ở mép lane

Trong một số điều kiện và kiểu dầu nhất định, việc đi banh ở mép lane là phương án tối ưu để có thể chiến thắng. Thế nhưng nỗi sợ banh ra máng (gutter) đang xâm chiếm cơ thể và trí óc của bạn. Bạn không dám do chuyển ra khu vực này nhưng nếu không ra đó bạn khó lòng tối ưu hóa đường banh. Cách duy nhất là hãy chủ động tập luyện những đường banh gần mép lane từ mũi tên 2 trở ra máng. Nếu bạn cứ trốn tránh nỗi sợ hãi này, bạn sẽ không thể thành công lớn.

Ryan Cimineli flirt with the gutter

Thưởng thức những đường banh liếm vào 3 board ngoài mép lane của Ryan Cimineli

Xem clip này xong, phải lên kế hoạch tập các đường đánh ở rìa lane từ mũi tên 1 trở ra thui. Trong khi các bowler nước ngoài xem đây là một đường đánh rất cơ bản thì bowler Việt Nam mình thường khá e sợ nó. #Bowling.

Posted by Happybowlers.com on Tuesday, December 8, 2015

4. Sợ kĩ thuật của mình sai

Thêm một nỗi sợ hãi nghe có vẻ rất ngớ ngẩn nữa, nhưng có thật. Đã biết bao lần, happybowlers.com nghe được những bình luận của các bowler với nhau về style và kĩ thuật trên lane, đại loại như:” Em chúi người quá, không tốt đâu, sửa đi…. Em đánh như vậy banh nó không có “rô” (roll)….Bộ của em chưa đúng…..Banh em khoan vầy không hook đâu….balbalbalala” Và còn rất nhiều những lời nói “ong bướm” như vậy. Bạn có bị lung lay không?

Lời khuyên của happybowlers.com là hãy có lập trường và cảm nhận cơ thể của chính mình. Nếu bạn thấy mình đang bowl tốt, mình happy và thoải mái với những gì mình đang làm, hãy cứ là chính mình. Nếu muốn kiểm chứng những gì người khác nói, hãy lên google tìm kiếm các thông tin về kĩ thuật từ những trang web và diễn đàn đáng tin cậy từ nước ngoài, hoặc từ chính USBC. Hãy lắng nghe có chọn lọc nhưng nhất thiết phải có lập trường riêng vì Bowling là một môn thể thao mang đậm phong cách cá nhân. Nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng “tẩu hỏa” vì thay đổi kĩ thuật lung tung loạn xạ theo quá nhiều người. Bạn sẽ không còn happy đâu!

5. Sợ không tìm được đường đánh thích hợp với dầu

Bạn có công nhận rằng khi thi đấu, nếu không tìm ra được đường dầu ổn định, game thi đấu của bạn sẽ rất “lầy lội” không? Đó là một trong những nguyên nhân làm bowler bị stress và sợ hãi nhất. Ở Việt Nam, đa phần khi bước vào giải đấu, bạn ít khi được mục sở thị sơ đồ dầu bằng hình ảnh, mà phải tự tùy cơ ứng biến khi vào thực địa. Điều này đưa bowler vào một tình huống còn khó khăn hơn, đặc biệt là với những bowler có ít kiến thức và kinh nghiệm về dầu.

Để đối mặt với nỗi sợ hãi này. Điều đầu tiên là bạn phải tìm hiểu các kiến thức về dầu, cách điều chỉnh vị trí đánh và cách dùng banh khi dầu thay đổi (hiểu rõ đặc điểm từng quả banh của mình và nó sẽ phục vụ bạn trên những điều kiện dầu nào). Thứ 2, bạn cần test lane tại nơi diễn ra giải đấu ít nhất 1 ngày để nắm được địa hình lane. Thứ 3 là sau các giải đấu, bạn phải đúc kết lại kinh nghiệm điều chỉnh với các kiểu dầu, để tạo cho mình một hệ thống và khả năng dự đoán thay đổi.

Các kiểu dầu trong bowling

Với kinh nghiệm ngày càng dày, bạn sẽ không sợ hãi khi phải đối mặt với các kiểu dầu lạ mà mình chưa được test đồng thời có các phương án, chiến thuật điều chỉnh trước khi cả dầu thay đổi trên lane.

6. Sợ điều chỉnh

Khi thi đấu, điều chỉnh là điều không tránh khỏi. Banh của bạn đang đi tốt vào 1-3 nhưng giờ lại tuột, lại hook sớm…..bạn phải thay đổi nếu muốn giữ hoặc có thành tích tốt hơn. Bạn đã bao giờ tự nói với chính mình như thế này chưa? “Có nên dịch vào trong không nhỉ, dời 1 hay 2 board là đủ? Nên dùng banh đen hay đỏ? Có nên đổi banh không? Bi giờ chuyển qua mũi tên 2 không biết có được không?……”

Và bạn biết gì không? Với những bowler còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức, kết quả thường là nghĩ rất nhiều nhưng cuối cùng không dám thử điều chỉnh. Chỉ vì một lí do “SỢ” kết quả không như ý.

Lời khuyên chân thành của happybowlers.com dành cho bạn đó là:

  1. Hãy chuẩn bị cho mình một kiến thức cơ bản và chính xác về chiến lược cận chiến trên lane.
  2. Luôn đúc kết kinh nghiệm thành bại sau mỗi lần “dám” thay đổi.
  3. Quan trọng nhất là hãy suy nghĩ như vầy:

Khi thay đổi, điều chỉnh, nếu thành công, bạn sẽ rất happy, nếu thất bại bạn sẽ học được thêm nhiều kinh nghiệm. Nếu không dám thay đổi, những gì bạn nhận được chỉ là sự hối tiếc.

7. Sợ thay đổi

Con người ai cũng sợ thay đổi. Bởi vì mỗi lần thay đổi, tùy theo cấp độ, bạn phải đập phá hoặc tháo dỡ nhiều bộ phận để cải tạo và nâng cấp. Bowling cũng như thế. Khi tập luyện bowling đến một mức độ nhất định, bạn sẽ cảm nhận được giới hạn của kĩ thuật cá nhân. Có thể kĩ thuật của bạn chưa tối ưu và thành tích của bạn chỉ đạt đến mức độ đó. Có thể mưc độ đó không thấp nhưng nó chỉ ở mãi vị trí đó. Bạn muốn tiên lên hay chỉ dậm chân tại chỗ và tận hưởng thành tích gọi là “thành công” đó?

Trong bowling, nếu bạn dừng cải tiến là bạn sẽ thụt lùi, không phải vì bạn đánh dở hơn mà là vì bạn sẽ bị các bowler khác qua mặt không sớm thì muộn. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên bowler Việt Nam thường có tâm lý ngại thay đổi hoặc sợ “nâng cấp” kĩ thuật vì một lí do rất cay đắng: Đó là sợ thành tích giảm sút. Bởi lẽ lúc bạn dừng lại để nâng cấp là lúc bạn sẽ tạm thời mất đi sự ổn định của mình. Đó cũng là lúc bạn yếu nhất. Cũng như con cua con rắn, muốn lột xác phải rất đau đớn. Bạn có dám không? Hay bạn sợ hãi trước thất bại? Sợ hãi trước những lời chê bai về thành tích giảm sút? Sự lựa chọn là của bạn.

Happy Bowling 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.