Hôm nay happybowlers.com xin được phép thảo luận với các bạn về vấn đề đắp banh. Một vấn đề không hề nhỏ và thường được xem là “đáng sợ” cũng như mất thời gian với dân bowler. Vậy bạn nên hiểu và có thái độ như thế nào với vấn đề này? Liệu đắp lại banh có gì không tốt? Hay nó có giúp bạn cải thiện cuộc chơi của mình không? Nào ta cùng mổ xẻ.
1. Vì sao nhiều bowler sợ/ngại đắp lại banh bowling?
Cơ bản đây là tâm lý của đa số các bạn chơi bowling đã có banh riêng. Bởi lẽ họ đã từng nghe thấy những lời đồn thổi đại loại như:”Đắp lại banh không tốt”, “đắp lại banh sẽ làm hỏng lõi”, “banh đắp lại sẽ ít hook hơn”…..Hoảng sợ và không dám đắp là phản ứng có thể dễ hiểu.
Tuy nhiên, bạn biết gì không? đắp lại banh là chuyện rất bình thường trong giới bowler trên thế giới. Bởi lẽ, bạn sẽ không bao giờ có thể biết chắc rằng layout nào là tốt nhất với mình. Ngoài ra nếu bạn là người lần đầu tiên có banh bowling riêng thì bạn cũng không bao giờ biết được lỗ banh như thế nào là vừa ngón vừa tay mình, hay cách ra banh nào là phù hợp với bản thân. Rủi ro phải đắp sửa lại là hoàn toàn có thể xảy ra và khó tránh khỏi. Vậy nếu nó là điều khó tránh khỏi thì bạn cũng đừng sợ khi việc đó xảy ra, phải không nào?
Thế còn lời đồn đại rằng “đắp lại banh sẽ làm hỏng lõi” thì sao?
Đây là những lời đồn đại hết sức phi lí. Thứ nhất đắp lại banh sẽ làm hỏng lõi. Xin thưa, một khi mũi khoan đầu tiên chạm vào banh, nó đã “phá hỏng” lõi banh theo một nghĩa nào đó. Và thực sự, lúc đó bạn đã đâm thẳng 1 lỗ vào đúng lõi banh. Vì thế, “làm hỏng lõi” là điều vớ vẩn nhất bạn từng nghe đấy. Khi đắp lại banh, chính xác là bạn sẽ lấp lại vị trí lõi banh bị khoan ban đầu và làm cho lõi banh dài ra một chút về phía vỏ do chất đắp banh sẽ tràn ra tới bề mặt banh. Sự thay đổi sau khi đắp banh có thể xảy ra là vị trí trọng tâm của banh (được đánh dấu bằng 1 dấu tròn lớn trên banh, tùy hãng) có thể bị thay đổi so với ban đầu do trọng lượng riêng của chất đắp banh khác với vật liệu làm banh ban đầu. Thông thường thì sự thay đổi này rất nhỏ và tăng dần nếu bạn đắp nhiều lần. Khi đắp xong, bạn nên nhờ chuyên gia khoan banh cân và xác định lại vị trí trọng tâm của banh cho chắc chắn trước khi vẽ lại layout.
Và còn câu “banh đắp xong sẽ ít hook hơn” thì sao?
Cũng vớ vẩn nốt. Banh bowling sẽ xoay chuyển và hoạt động tùy thuộc vào layout và cánh release banh của bạn. Nó hook nhiều hay ít là do ý đồ và cảm nhận của chủ banh. Chẳng có một thước đo chuẩn nào về độ hook của 1 quả banh để bạn có thể so sánh rằng nó hook ít hơn hay không. Bạn hiểu rồi chứ? Mục tiêu sau cùng của chúng ta là đánh đổ càng nhiều pin càng tốt, chứ không phải là banh hook ít hơn hay nhiều hơn, lõi nó có bị sao hay không. Chấm hết!
2. Khi nào cần đắp banh?
Bạn cần đắp lại banh trong những trường hợp sau:
a. Lỗ banh không vừa tay hoặc vị trí 3 lỗ không vừa với gang tay. Điều này dễ xảy ra khi bạn mua lại banh cũ. Hoặc bạn mới có banh mới lần đầu tiên và chưa định hình được style đánh cũng như cách ra banh.
b. Khi bạn mua lại banh cũ và không chắc rằng PAP (Positive Axis Point) của chủ banh cũ giống với mình. Bạn cần đắp lại để chuyển động của banh tối ưu với PAP cũng như cách ra banh của mình. Tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của PAP với layout và chuyển động của banh bowling.
c. Khi bạn muốn thay đổi layout để khiến banh có thể chuyển động như ý muốn trên một số kiểu dầu nhất định. Đây là một bước đi chiến lược giúp bạn thay đổi cuộc chơi của chính mình cũng như cải thiện đáng kể điểm số.
Một điểm lưu ý quan trọng đó nếu các lỗ banh hoặc vị trí 3 lỗ không vừa tay, bạn đừng ngần ngại đắp banh nhé. Không đáng để tay bị đau khi sử dụng banh bowling đâu. Đắp banh và khoan lại có thể mất thời gian từ 4 ngày đến 1 tuần nhưng chậm một chút, kiên nhẫn một chút, sự thay đổi sẽ xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra. À mà nếu bạn có đủ tiền để mua 1 quả banh mới thì thôi có thể không cần nghĩ tới việc đắp banh nhé 😉
3. Tư duy sử dụng banh
Chốt lại, là một bowler, mục tiêu của bạn là đánh đổ nhiều pin nhất có thể. Bằng mọi cách, bạn phải biến quả banh trở thành vũ khí thiện chiến nhất có thể. Có chiến binh nào mà không có “sẹo”? Quả banh phải phục vụ tối ưu cho bạn, nếu không thì dù nó có đẹp đến mấy cũng chỉ là đồ bỏ đi.
Việc “tái cấu trúc” lại banh đóng vai trò như một bước đi chiến lược để thay đổi cuộc chơi của bạn. Hãy hình dung, nếu 2 bowler có kĩ thuật, tâm lý và kinh nghiệm ngang nhau, sự khác biệt nằm ở thiết bị của ai tối ưu hơn, người đó sẽ chiến thắng. Đó là điều không thể chối cãi.
Ngoài ra, việc sợ đắp hay điều chỉnh banh, sẽ giới hạn đáng kể khả năng chiến đấu của bạn trên lane. Đôi khi bạn cứ nghĩ rằng, kĩ thuật mình không tốt, mình ra banh không đều….và cứ tập tập hoài tập mãi mà không biết rằng cái bạn cần thay đồi là ở thiết bị đang sử dụng. Bạn sẽ “mắc kẹt” ở tầm mức đó mà không thể phát triển trình độ và thành tích. Hãy nhớ rằng con người là một thực thể sống “không ổn định”, chúng ta không phải là robot nhưng chúng ta biết tạo ra những “con robot” phục vụ cho mục đích của mình và tối ưu “sự ổn định” mà mình cần có. Cùng một quả banh nhưng với những layout khác nhau, bạn có thể hé mở những bí mật sức mạnh tiềm tàng trong nó. Muốn thay đổi, bạn phải chấp nhận phá bỏ cái cũ. Hãy bowl một cách thông minh và đừng ngại thay đổi bạn nhé!